Tháng Năm 1956, Bắc Kinh nóng vô cùng, nóng vì thời tiết, nóng vì chính trị với chủ trương của Đảng “bách hoa tề phóng, bách gia tranh minh” (trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng). Ngày 26 tháng Năm, Lục Định Nhất thay mặt Trung ương Đảng nói chuyện trước giới trí thức thủ đô là Đảng chủ trương “trăm hoa đua nở” đối với công tác văn nghệ và “trăm nhà đua tiếng” đối với công tác khoa học, rằng chủ trương đó đã được Mao Trạch Đông tuyên bố tại hội nghị tối cao của Quốc Vụ viện.
Tháng Ba năm sau, tại hội nghị công tác tuyên truyền toàn quốc với sự tham dự của 800 cán bộ tư tưởng của Đảng, Mao Trạch Đông đã trình bày sự đánh giá đối với thành phần trí thức. Theo ông, tuyệt đại đa số tán thành chế độ xã hội chủ nghĩa, một thiểu số tuy không nhiệt tình hoan nghênh như vậy nhưng vẫn yêu nước, còn lại rất ít là thù địch, vì vậy cải tạo trí thức là cần thiết và trí thức phải kết hợp với công nông. “Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng” là phương châm lâu dài của Đảng, phải mạnh tay “phóng” cho mọi người dám phát biểu, dám phê bình, dám tranh luận.Tiếp đến, ngày 27 tháng Tư năm 1957 Trung ương Đảng chính thức ban bố “Chỉ thị chỉnh phong”. Thế là trong chỉnh, ngoài phê, bao nhiêu cuộc tọa đàm, bao nhiêu buổi sinh hoạt tổ nhóm để nghe ý kiến của quần chúng được tổ chức, đâu đâu cũng thấy “tề phóng”, đâu đâu cũng nghe “tranh minh”. Ngày 19 tháng Năm năm 1957 những tờ đại tự báo (báo chữ to) bắt đầu dán trong các trường đại học nặc danh phê bình cán bộ lãnh đạo đảng, chính quyền một cách táo bạo hơn. Trúng kế rồi, nhân đại phóng, đại minh, đại tự báo, đại tranh luận mà “cỏ dại” mà “tiếng lạ” đã lộ hình, đã rõ âm, bị tóm gọn trong một rọi phần tử hữu khuynh chống Đảng chống chủ nghĩa xã hội.
Tháng Sáu, cuộc phản kích chống hữu khuynh bắt đầu. Tháng Bảy, tại Thanh Đảo, trước hội nghị bí thư các tỉnh thành, Mao Trạch Đông chỉ rõ quan hệ giữ chỉnh phong và chống hữu, ông mới tiết lộ mưu kế bốn giai đoạn: giai đoạn đại minh đại phóng, giai đoạn phản kích, giai đoạn sửa đổi điều chỉnh, giai đoạn mỗi người tự nghiên cứu văn kiện, phê bình phản tỉnh và nâng cao. Ngày 29 tháng Sáu, bộ chỉ huy chống phái hữu quy định phải điểm danh, Bắc Kinh 400 người, cả nước 4.000 người. Mười ngày sau, “chỉ tiêu” đó nâng lên 800, 8.000. Đến tháng Chín, báo cáo tại hội nghị Trung ương lần thứ 3 khóa 8, con số phần tử hữu khuynh là 6 vạn và cuối chiến dịch vào mùa hè năm 1958 lên tới 55 vạn.
Cuộc chiến đấu chống hữu huynh mở rộng đến các huyện, các khu, nhà máy, hầm mỏ.
Nội bộ nhân dân bị phân chia thành ba phái hữu khuynh, trung lập và tả khuynh. Trong phần tử hữu khuynh lại vạch rõ loại cực hữu, xếp họ về phía bên kia giới tuyến – thù địch chính trị với nhân dân, nâng thành mâu thuẫn đối kháng địch ta. Từ số lượng, tính chất cuộc vận động chống hữu khuynh đã tỏa lan, cộng thêm phương pháp đấu tranh lại là “tứ đại” (đại minh, đại phóng, đại biện luận, đại tự báo) nên mức độ và kết quả càng thâm hiểm và nghiêm trọng. Nhiều đồng chí trung trinh, nhiều bạn bè hợp tác đã lâu dài với Đảng, nhiều trí thức tài năng, nhiều thanh niên nhiệt huyết v.v… bỗng nhiên bị truy chụp, đấu tố đã trở thành kẻ thù, bị hãm hại suốt đời, làm cho nhà nước tổn thất không biết là nhường nào. Hội nghị Trung ương lần thứ 3 khóa 8 đã đi đến một kết luận khác hẳn với hội nghị lần thứ nhất, và cho rằng mâu thuẫn chủ yếu của xã hội Trung Quốc là mâu thuẫn giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản, giữa đường lối xã hội chủ nghĩa và đường lối tư bản chủ nghĩa, quy định 2 giai cấp bóc lột và 2 giai cấp lao động: địa chủ mại bản, phần tử hữu khuynh bị đánh đổ cùng bè lũ phản động và tư sản dân tộc đang tiếp thu cải tạo xã hội chủ nghĩa với phần tử trí thức của họ đều thuộc về bóc lột,chỉ có công nông là lao động.
......
(Theo Nhà báo & Công luận; Thứ Sáu, 14/10/2011)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét