(Thanhnien) - Sức khỏe doanh nghiệp đã xuống đến mức báo động khẩn nhưng chính sách hỗ trợ vẫn hết sức khiêm tốn. Đặc biệt, sự cân - đo quá mức của nhiều lãnh đạo bộ - ngành cho thấy tình trạng khó khăn của nền kinh tế chưa được nhận diện đúng mức.
Gần 60.000 doanh nghiệp (DN) phá sản, những DN "còn sống" đang "teo" lại sau những năm khó khăn kéo dài. Đó là một trong những kết quả khảo sát của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam công bố cuối tuần qua.
Tương tự, số liệu thống kê từ hải quan cho thấy, DN trong nước ngày càng lép vế trước các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Thành tích xuất siêu mà chúng ta tự hào gần đây thuộc về khối các DN FDI. Họ cũng thống lĩnh hầu hết các mặt hàng có tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất của VN. Nhưng chưa hết, hàng Trung Quốc, hàng lậu, hàng gian, hàng giả... ngày càng lộng hành, lấn át khiến các DN nội địa điêu đứng...
Chỉ vài nét phác họa cũng thấy, bức tranh DN chưa bao giờ u ám như hiện nay. Nếu cộng tất cả những yếu tố trên lại, các DN VN còn lại bao nhiêu chỗ đứng tại chính sân nhà?
Thực trạng bi đát đó khiến dư luận đặt câu hỏi, khi nâng lên - đặt xuống chuyện giảm thuế thu nhập DN từ 25% xuống 23% hay 22%-20% các vị lãnh đạo có thẩm quyền liệu có biết những điều trên? Khi đắn đo, dùng dằng trước những ý kiến cho rằng nên áp dụng sớm chính sách thuế mới vào 1.7 tới thay vì đợi tới đầu năm sau, liệu họ có biết sức khỏe DN đã cạn kiệt?
Mỗi lần nói đến tình trạng khó khăn, phá sản của DN, chúng ta vẫn cho rằng đó là tình trạng chung của cuộc khủng hoảng toàn cầu và sự thanh lọc các DN làm ăn chụp giựt, thiếu cơ bản. Nhưng thực tế, DN trong nước đã phải chịu áp lực gấp đôi, gấp ba so với các nước. Bởi nếu DN các nước chỉ phải chịu tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới thì DN nội địa còn phải chịu tác động của lạm phát cao kéo dài liên tục nhiều năm, khiến lãi suất bị đẩy lên rất cao. Đến khi lạm phát được kiểm soát thì nền kinh tế lại rơi vào tình trạng đình trệ, tồn kho, thiếu vốn và lãi suất vẫn cao... Tóm lại, DN bị "khủng hoảng kép", cả bên trong lẫn bên ngoài. Nói vậy để thấy rằng, những cân đo ngân sách bị hụt đi vài ngàn tỉ đồng vì áp dụng sớm hơn vài tháng, vì giảm mức thuế thấp hơn một chút... có thể nói thẳng là thiếu trách nhiệm với nền kinh tế và vô cảm trước sức khỏe của DN.
Trị bệnh thì phải biết rõ bệnh. Nếu đã biết rõ bệnh thì phải kê đơn đủ liều, đúng liều và kịp thời. Những gói hỗ trợ trước đó đã rơi vào tình trạng không đủ liều và đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến bức tranh sức khỏe đáng buồn của DN như nói trên. Vì vậy, đừng để các chính sách hỗ trợ "rơi tõm" xuống biển khó khăn mà đối tượng thụ hưởng vẫn không kịp thấy gì như đã từng xảy ra.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét