(Phunutoday) - Thu phí bảo trì đường bộ, Bộ GTVT cho đóng cửa 19 trạm thu phí, nhưng tương lai sẽ lập thêm 21 trạm thu phí mới dọc quốc lộ 1A, nâng tổng số trạm thu phí lên gần 60, và người dân vẫn phải cùng lúc gánh chịu hai loại phí đường.
Các dự án BOT từ Hà Nội - Cần Thơ theo báo cáo của Bộ GTVT, các dự án này đều thực hiện thu hồi vốn thông qua thu phí. Ảnh: TNO. |
Bộ Giao thông vận tải một mực khẳng định không có chuyện “phí chồng phí” khi thực hiện thu phí bảo trì đường bộ và thu phí qua trạm BOT. Nhưng thực tế câu chuyện lại diễn ra khác, khi các trạm thu phí vẫn dày đặc, dù có nói là trạm thu phí để thu hồi vốn đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), PPP (hợp tác công - tư), thậm chí thời gian tới còn tăng cả về số lượng trạm và mức phí.
Dù có nói là phí bảo trì và phí qua trạm BOT nhằm mục đích gì, thì bản chất vẫn là số tiền người dân phải trả để sử dụng đường. Đặc biệt hơn, với hệ thống trạm thu phí trên QL1A, người dân sẽ không có lựa chọn con đường khác để đi, mà đó là đường độc đạo, mất phí qua trạm là không thể tránh và phí bảo trì đường bộ cũng không thể không nộp.
Quỹ bảo trì đường bộ được thực hiện thu từ 1/1/2013, trước mắt là với ô tô, cũng từ ngày này Bộ GTVT quyết định dừng thu phí tại 19 trạm thu nộp ngân sách nhà nước, trong tổng số 57 trạm thu phí trên cả nước. Như vậy dù đã dừng một số trạm, nhưng hiện vẫn còn 38 trạm thu phí hoàn vốn cho các dự án BOT vẫn hoạt động.
Và từ nay tới năm 2016, sẽ có ít nhất thêm 21 trạm thu phí BOT tiếp tục được đưa vào hoạt động, khi dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1A (đoạn Hà Nội – Cần Thơ) chính thức hoàn thành. Thậm chí, theo đề án của Bộ GTVT đã được Chính phủ đồng ý, tới năm 2016 phí qua các trạm BOT sẽ tăng cao nhất 3,5 lần so với hiện nay. Trước mắt, Bộ GTVT đang đề nghị Bộ Tài chính cho tăng phí trên QL1A tối thiểu bằng 75% phí đường cao tốc (mức phí tối thiểu đường cao tốc đang áp dụng là 1.000 đồng/km, 3 năm tăng một lần với mức tăng khoảng 18%/lần). Thời gian tồn tại của các trạm BOT trên QL1A là không quá 25 năm.
Chỉ tính 21 trạm thu phí BOT trên QL1A, đoạn Hà Nội – Cần Thơ dài khoảng 1.700km, trong đó nhà nước sẽ kêu gọi đầu tư BOT khoảng 1.000km. Nếu tính giá phí bằng 75% phí đường cao tốc, với phí đường cao tốc hiện nay là 1.000 đồng/km, thì mỗi lượt đi trên QL1A phương tiện tiêu chuẩn (dưới 12 chỗ ngồi) sẽ mất 750 đồng/km, tổng phí cả tuyến mỗi lượt là khoảng 750.000 đồng/xe tiêu chuẩn. Đồng thời với khoản phí này, các phương tiện còn phải chịu phí bảo trì đường bộ, với mức thu hiện nay với xe dưới 10 chỗ là 130.000 đồng/tháng, từ 10 tới 25 chỗ ngồi là 270.000 đồng/tháng…
Lãnh đạo Bộ GTVT lên tiếng giải thích rằng: “Phí bảo trì là dùng sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường sử dụng ngân sách nhà nước, còn phí qua trạm BOT là thu hồi vốn đầu tư các tuyến đường theo hình thức BOT”. Lý giải này phần nhiều là nói về mục đích sử dụng số tiền thu được (chúng tôi xin bàn ở một bài viết riêng). Còn chủ phương tiện, người phải nộp phí thì rõ ràng đang phải gánh cả hai loại phí, phí bảo trì và phí qua trạm BOT, đấy là thực tế và ai cũng phải thừa nhận (chỉ trừ xe máy phải nộp mình phí bảo trì, còn xe đạp và người đi bộ không mất phí). Một phương tiện phải mất hai lần phí cho đường sá, thử hỏi đây không phải là “phí chồng phí” thì là gì? Câu hỏi này xin gửi tới lãnh đạo Bộ GTVT.
Và với thực tế hiện nay, khi kinh tế khó khăn, vốn đầu tư ngân sách cho hạ tầng giao thông giảm, việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư cho hạ tầng giao thông chắc chắn sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới, có lẽ hầu hết các quốc lộ sẽ có trạm thu phí, đặc biệt với các tuyến đường huyết mạch, với nhiều phương tiện đi lại. Với 38 trạm thu phí đang hoạt động, cùng với 21 trạm trên QL1A (trạm muộn nhất là năm 2016), vậy là sơ sơ đã có 59 trạm thu phí trên cả nước. Đấy là chưa kể các dự án đang và sẽ được đầu tư trong thời gian tới, năm 2016 trạm thu phí đường bộ sẽ không dừng lại ở con số 59.
Khi nói về thu phí đường bộ, lãnh đạo Bộ GTVT không ít lần nói rằng, ở các nước tiến bộ họ vẫn thu phí. Nhưng Bộ GTVT quên mất rằng, với các nước phát triển, bao giờ cũng có ít nhất hai sự lựa chọn, nếu đi đường mất phí sẽ ngắn, đẹp, tốc độ cao hơn; còn đường không mất phí thì phương tiện phải chấp nhận xa hơn, chậm hơn, có thể là xấu hơn đường mất phí đôi chút.
Còn tại Việt Nam, cho tới nay QL1A vẫn là tuyến đường độc đạo (có đường Hồ Chí Minh nhưng chưa hoàn thiện, quá xa các đô thị lớn), vận tải đường bộ vẫn là phương thức chủ yếu, xe cộ không đi QL1A cũng chẳng còn đường nào để đi. Nên có phải nộp phí thì vẫn phải chấp nhận, số tiền phí này rốt cuộc lại được chuyển vào giá vé hành khách và giá hàng hóa.
Bộ GTVT cũng đang thực hiện dự án cao tốc Bắc – Nam chạy song song với QL1A, đi đường này chắc chắn mất phí, và phí cao. Nhưng khi có cao tốc này có dừng thu phí trên QL1A hay không chỉ có thời gian mới trả lời được, khi thời gian thu phí các trạm trên QL1A là từ 20-25 năm. Lúc đấy chỉ là câu chuyện đi đường nào rẻ hơn, chứ không có chuyện đi đường nào không mất phí.
Còn nhớ, khi đường cao tốc TP. HCM – Trung Lương đi vào hoạt động, do phí cao, nhiều phương tiện đã không đi đường này mà chuyển sang đi QL1A đoạn chạy song song vì không mất phí, tuy đường có xấu và xa hơn cao tốc. Vì vậy, thời điểm mới thu phí lượng xe đi cao tốc giảm tới gần 50% so với lúc chưa thu. Thời điểm đó, thậm chí Bộ GTVT đã lập dự án thu phí cả QL1A để “ép” phương tiện đi cao tốc. Nếu không trùng thời điểm thu Quỹ bảo trì đường bộ chắc chắn trạm thu phí QL1A đoạn TP.HCM – Trung Lương cũng đã được lập, khi vị trí đặt trạm, mức thu đều đã được phê duyệt.
Đấy là với khu vực phát triển, mất phí còn có đường đẹp để đi, còn khu vực nông thôn, miền núi, khi đường liên thôn, liên xã phần lớn xây dựng có một phần đóng góp tiền của, công sức của người dân, thậm chí nhiều tuyến đường do người dân tự bỏ tiền để làm hoàn toàn, hư hòng thì tự bỏ tiền sửa, ấy thế mà có cái xe máy để đi lại trong thôn, trong xã cũng phải mất phí bảo trì bằng thành phố - nơi đường sá đều do ngân sách nhà nước đầu tư.
Nói vậy thôi, chứ với Bộ GTVT, chắc chắn sẽ vẫn chưa là “phí chồng phí”. Và việc đầu tư thu phí BOT đồng thời với phí bảo trì đường bộ sẽ vẫn được tiên hành, kiên định, bất kể dù ai nói vào nói ra.
Chả có nhẽ lại đúng như ví von của ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước): “Ở nền văn minh lúa nước, chúng ta hưởng gió biển, khí trời quen rồi”. Nên giờ phải chịu tý phí là cứ loạn hết cả lên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét