Thứ Hai, 17 tháng 6, 2013

“Không đi không biết Đồ Sơn”

TP - Nhiều người tưởng bài thơ trên là thơ… dân gian, khuyết danh. Kỳ thực, tác giả của bài thơ nổi tiếng này là nhạc sĩ, nhà giáo Hà Giang.

Nhạc sĩ Hà Giang.
Bài thơ “Không đi không biết Đồ Sơn” chỉ có bốn câu lục bát:
“Không đi, không biết Đồ Sơn,
Đi thì mới thấy không hơn... đồ nhà!
Đồ nhà tuy có hơi già,
Suy đi tính lại, đồ nhà vẫn hơn”.
* *
Bài thơ nôm na mà ý vị ấy ra đời đến nay đã hai mươi mấy năm. Đây là bài thơ hay, được rất nhiều người ưa thích. Hay, vì nó độc đáo, dí dỏm, lại nồng ấm nghĩa tình.
Hà Giang tên thật là Phạm Tiến Giang, quê thôn Đẩu Sơn, xã Bắc Hà thị xã Kiến An tỉnh Kiến An (cũ); hiện nay gia đình ở phường Phù Liễn, quận Kiến An, TP. Hải Phòng.
Anh là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, hội viên Hội Văn học - nghệ thuật Hải Phòng từ những năm 70 của thế kỷ trước, là giáo viên âm nhạc Trường Sư phạm 10 + 3 Hải Phòng, tiền thân của Trường Đại học Hải Phòng (công lập) ngày nay - nơi tôi giảng dạy suốt 32 năm.
Khoá Sư phạm 1972 - 1975, tôi là giáo viên chủ nhiệm lớp C. Văn - Sử, Ban Giám hiệu nhà trường phân công anh Hà Giang làm phó chủ nhiệm lớp của tôi. Anh hơn tôi đến chục tuổi. Hà Giang là đảng viên lớp Hồ Chí Minh đầu tiên (sau khi Bác Hồ từ trần, 1969).
Anh dạy nhạc rất hay, lúc nào cũng nồng nhiệt, cuốn hút, ca hát rất say sưa, lại sáng tác được nhiều bài hát cho quê hương và cho nhà trường, được mọi người yêu thích.
Nhiều bài hát của anh được phổ biến trên Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài phát thanh - truyền hình Hải Phòng.
Tập thể giáo viên và giáo sinh trường tôi rất quý mến, kính trọng anh, vì anh tận tuỵ công tác, sống giản dị, chân thành, giầu tình cảm với mọi người.
Trong khi anh bị nhiều căn bệnh hiểm nghèo như áp xe gan, áp xe thành bụng, phải đại phẫu tới 7- 8 lần mà vẫn sống lạc quan; và trong điều kiện gia cảnh anh rất nghèo, vợ làm nông nghiệp, anh chị lại đông con.
Tôi không nhớ rõ lắm, nhưng vào khoảng cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, khi anh đã “về hưu non” vì lý do sức khỏe, một lần Hà Giang gặp tôi, anh cười giòn tan và bảo: “Tớ mới làm bài thơ như thế này, cậu nghe có được không nhé”.
Rồi anh vừa cười như nắc nẻ, vừa đọc rất hồn nhiên: “Không đi, không biết Đồ Sơn,/ Đi thì mới thấy không hơn đồ nhà/ Đồ nhà tuy có hơi già/ Suy đi tính lại, đồ nhà vẫn hơn”! Nghe anh đọc xong, tôi cũng cười rũ rượi và ôm chầm lấy anh: “Hay lắm! Tuyệt vời!”.
Nhưng anh nói thêm: “Tớ hơi lưỡng lự câu cuối: Suy đi tính lại, đồ nhà vẫn hơn, hay là thay bằng: “Nhưng là đồ thật, không là đồ sơn”. Cậu thấy thế nào”. Tôi nói: “Mỗi câu đều có ý hay riêng. Tùy anh”.
Anh lại cười, bảo: “Thôi cứ để câu cuối “Suy đi tính lại, đồ nhà vẫn hơn”, xem ra nó thật hơn và có vẻ đấu tranh tư tưởng đấy chứ nhỉ”. Từ đấy, trong những câu chuyện vui với bạn bè, Hà Giang lại đọc cho họ nghe bài thơ ấy.
Tôi cũng thuộc loại “tội đồ” truyền miệng bài thơ của anh. Thế rồi bài thơ cứ được truyền từ người này sang người kia và vượt qua lãnh địa Hải Phòng, lan ra các tỉnh và thành phố từ Bắc đến Nam.
“Không đi, không biết Đồ Sơn”. Nói thêm, nhà anh Hà Giang chỉ cách Đồ Sơn khoảng 18 km đường nhựa to rộng.
Đồ Sơn là bãi biển của Hải Phòng, phong cảnh sơn thuỷ hữu tình, đẹp nổi tiếng cả nước; có nhiều rừng thông, bãi tắm cuốn hút du khách thập phương; có những biệt thự, khách sạn to đẹp và nhan nhản các nhà hàng, nhà nghỉ, các quán ăn uống, quán cà phê, nhà vườn ... Đặc biệt, Đồ Sơn là một khu “ăn chơi” lừng danh, vì có rất nhiều món hải sản quý, mà tôi từng viết: “Ăn một lại muốn ăn hai/ Ăn ba ăn bốn lại đòi ăn năm”.
Nói rộng ra, Đồ Sơn là núi non thơ mộng, là các nhà nghỉ, khách sạn, quán ăn và không thể thiếu các tiếp viên trẻ trung, xinh đẹp, đầy sức quyến rũ, như đã nói ở trên. Còn “đồ nhà”, là cách nói vui chỉ các bà vợ.
Nhưng bài thơ nhân văn ở chỗ, vui đâu thì vui, cuối cùng vẫn thấy chẳng chỗ nào đầm ấm, chân thật, tình nghĩa như ở nhà mình.
Có một điều mà Hà Giang thường “khoe” với chúng tôi: Vợ anh là một người hết sức thương yêu chồng con, giàu đức hy sinh cho gia đình, tạo mọi điều kiện để anh an tâm dạy học và sáng tác, sống rất hiền hòa với bà con xóm phố.
Lúc nào có bạn bè của chồng đến chơi, chị đều niềm nở, luôn luôn cười vui, khiến không ai biết là kinh tế anh chị rất thiếu thốn. Có được người vợ tần tảo, nhân hậu như thế, với Hà Giang là một niềm hạnh phúc lớn.
Hà Giang bạn tôi là con người giầu cảm xúc, không kém lãng mạn, nhưng lại rất tỉnh táo và đặc biệt là hết sức yêu thương vợ con, tôn trọng vợ.
Hà Giang đã khuất núi sau một vài năm anh đọc cho tôi nghe bài thơ độc đáo của mình (anh mất năm 1989, khi mới 53 tuổi dương!); nhưng bài thơ thì vẫn còn đó, vẫn tươi mới, hấp dẫn.
Anh để lại cho đời một tiếng cười vui sảng khoái và hồn hậu, dí dỏm mà sâu sắc nghĩa tình.
 Đào Ngọc Đệ


* *
Theo “giang hồ” đồn thổi thì cave xứ Đồ lại có câu rằng:

Không đi không biết Đồ Sơn
Đi rồi mới biết ngon hơn đồ... nhà
Đồ nhà vừa xấu vừa già
Vừa thiếu sáng tạo lại ca cẩm nhiều

Không đi, không biết Đồ Sơn
Đi về mới thấy nó hơn đồ nhà.
Đồ Sơn là của quốc gia,
Đồ nhà là của ông bà ngoại cho!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét