Thứ Hai, 6 tháng 5, 2013

Chuyện tại TP.HCM - Cơ hội cho nhà đất chưa có giấy tờ


(Thanhnien) - Hơn 129.000 trường hợp nhà đất không đủ điều kiện trên địa bàn TP.HCM sẽ có cơ hội được cấp giấy chứng nhận.

Hàng trăm ngàn trường hợp nhà đất chưa có giấy tờ tại TP.HCM sẽ được xem xét - Ảnh: Diệp Đức Minh
Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là GCN), Sở TN-MT TP.HCM thống kê sơ bộ trên địa bàn có đến hơn 129.000 trường hợp nhà, đất bị vướng mắc, tồn đọng… không đủ điều kiện cấp GCN.
Cụ thể, qua rà soát tại 6/24 quận, huyện với hơn 49.000 trường hợp không đủ điều kiện  tập trung vào một số vướng mắc phổ biến:
10.437 trường hợp đất chuyển nhượng bằng giấy tay từ ngày 1.7.2004 - 1.7.2006;
7.944 trường hợp nhà được mua bằng giấy tay sau ngày 1.7.2006;
9.003 trường hợp nhà, đất tạo lập sau ngày 15.10.1993 nhưng nay không phù hợp quy hoạch.
Các trường hợp còn lại thuộc diện nhà đất tự chuyển mục đích sử dụng trên đất nông nghiệp, có nguồn gốc lấn chiếm nhưng nay không phù hợp quy hoạch; nhà, đất có vi phạm xây dựng nhưng không được tồn tại; nhà đất đang có tranh chấp; vướng mắc tại các dự án phát triển nhà ở (chủ đầu tư chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, xây sai thiết kế và quy hoạch được duyệt, chưa xây dựng nhà đã chuyển nhượng cho người mua tự xây dựng; GCN đang thế chấp)…
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, xuất phát từ đặc thù của TP.HCM: hầu hết các trường hợp mua nhà, đất ở riêng lẻ thuộc diện trên chủ yếu là những gia đình nhập cư, thu nhập thấp nhưng có nhu cầu cấp thiết về nơi ở. Về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín cho rằng thực tiễn đã xảy ra và đang tồn tại như vậy nên chính quyền không thể không giải quyết vì mục tiêu an sinh xã hội, đảm bảo cuộc sống ổn định cho người dân.
Giải quyết ngay các trường hợp lấn chiếm
Ngày 6.5, tại cuộc họp với 24 quận, huyện về xử lý cấp GCN cho người dân trên địa bàn, UBND TP.HCM tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ các vướng mắc, tồn đọng bấy lâu nay.
Theo đó, đối với các trường hợp sử dụng đất nông nghiệp có nhà ở, giải quyết theo hướng: đất sử dụng trước ngày 1.7.2006 mà không có một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 1, 2, 5 điều 50 luật Đất đai 2003, đang sử dụng ổn định, không tranh chấp, tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp GCN đã có quy hoạch được duyệt, thì tại thời điểm xét cấp nếu phù hợp quy hoạch sẽ được cấp theo hiện trạng.
Tương tự, đất sử dụng trước ngày 1.7.2004 không phù hợp quy hoạch nhưng tại thời điểm xét cấp chưa xác định được thời gian thực hiện quy hoạch (thời gian triển khai dự án đầu tư), thì được cấp GCN đất ở trong hạn mức, diện tích đất còn lại của thửa (nếu có) được xác định là đất nông nghiệp.
Đáng chú ý, đối với các trường hợp lấn chiếm nhưng thực tế người dân đã sử dụng ổn định từ trước 1.7.2004 hoặc các trường hợp tự ý chuyển mục đích từ đất nông nghiệp thành đất ở trước ngày 1.7.2004 không có tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, phù hợp quy hoạch và không thuộc các trường hợp lấn chiếm quy định tại khoản 4, điều 14 Nghị định 84/2007 của Chính phủ (vi phạm quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền xét duyệt và công khai; Lấn, chiếm hành lang bảo vệ an toàn công trình công cộng đã được công bố, cắm mốc; Lấn, chiếm lòng đường, lề đường, vỉa hè đã có chỉ giới xây dựng…), thì UBND các quận, huyện giải quyết ngay việc cấp GCN và thu tiền sử dụng đất theo quy định. Đối với nhà ở riêng lẻ của các hộ dân khi được cấp nếu chưa có điều kiện nộp tiền sử dụng đất thì ghi nợ tiền sử dụng đất trên GCN.
Tại các dự án nhà ở tái định cư, dự án nhà ở chung cư cao tầng trước luật Đất đai 2003 được miễn nộp tiền sử dụng đất nhưng nay phải nộp, dự án chung cư đã nộp tiền sử dụng đất, nay phải nộp bổ sung thì trách nhiệm nộp là chủ đầu tư dự án. Đối với người được bố trí tái định cư, người mua nhà ở chung cư đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với chủ đầu tư thì cũng được cấp mà không phụ thuộc vào việc chủ đầu tư đã nộp xong tiền sử dụng đất hay chưa.
Về việc thực hiện chủ trương mới, ông Nguyễn Hữu Tín chỉ đạo các quận huyện phải xem xét từng trường hợp hộ gia đình cụ thể để kịp thời giải quyết. Riêng đối với các trường hợp lợi dụng chủ trương mới rồi cắt đất, chia lô, bán nền, đầu cơ… thì quận, huyện phải xử lý, chấn chỉnh ngay vì nếu để tiếp tục phát sinh sẽ gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý.
Vậy còn ở các tỉnh khác có học tập TP.Hồ Chí Minh không?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét