Cây hẹ có tên gọi là cửu thái, khởi dương thảo, có tên khoa học Allium tuberosum Rottl.ex Spreng. Cây hẹ là cây thân thảo, có chiều cao khoảng 20-40 cm, giàu dược tính và có mùi thơm rất đặc trưng, không chỉ được dùng nhiều trong các món ăn như nấu canh, muối chua với dưa giá, ăn với bánh hỏi…, mà còn là cây thuốc chữa được nhiều bệnh.
Theo Đông y, lá hẹ để tươi có tính nhiệt, nhưng khi nấu chín ăn lại có tính ôn (ấm), vị cay, đi vào các kinh can, tỳ và vị; tác dụng ôn trung, hành khí, tán độc, chữa ho cho trẻ, tiêu hóa kém, trĩ sưng đau, ra mồ hôi trộm, đi tiểu nhiều lần... Còn hạt và rễ hẹ cũng có tính ấm, vị cay ngọt, đi vào kinh can, thận, chữa đái dầm, táo bón, trị giun kim... Củ hẹ tác dụng ôn trung, kiện vị, hành khí...
Tác dụng của cây hẹ:
- Trị côn trùng chui vào tai: Lấy một nắm lá hẹ rửa sạch giã nát vắt lấy nước cốt nhỏ vào tai có côn trùng, côn trùng sẽ tự bò ra.
- Chữa cảm mạo, ho do lạnh: Lá hẹ 250g, gừng tươi 25g, cho thêm ít đường hấp chín, ăn cái, uống nước.
- Chữa di tinh, mộng tinh, phụ nữ khí hư đới hạ: Dùng 1kg hạt hẹ cho vào nồi rồi đổ giấm vào đun sôi, sau vớt hạt hẹ ra phơi khô, tán nhỏ mịn, cho mật trộn để viên hoàn to cỡ hạt đậu xanh. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 30 viên.
- Chữa đau răng: Lấy một nắm hẹ (cả rễ) giã nhuyễn, đặt vào chỗ đau, đặt liên tục cho đến khi khỏi.
- Chữa chứng táo bón: Hạt hẹ rang vàng, giã nhỏ. Mỗi lần uống 5g. Hòa nước sôi uống ngày 3 lần.
- Chữa chứng đái dầm ở trẻ em: Nấu cháo gạo 50g, dùng 25g rễ hẹ vắt lấy nước cho vào cháo đang sôi, thêm ít đường, ăn nóng, dùng liên tục trong 10 ngày.
- Chữa trĩ sưng đau: Một nắm to lá hẹ cho vào nồi đất cùng với nước, dùng lá chuối bịt kín nồi, đun đến khi sôi thì nhấc xuống, chọc một lỗ thủng trên lá chuối cho hơi bay lên để xông trĩ. Khi thấy hết hơi bay lên thì đổ hẹ ra chậu ngâm rửa hậu môn.
- Chữa ho trẻ em: Lấy lá hẹ tươi đem cắt nhỏ, cho đường phèn vào cùng một bát, sau cho vào nồi cơm hấp chín. Cho trẻ uống dần trong ngày 2 - 3 lần.
- Chữa ra mồ hôi trộm: Lá hẹ tươi 200g, thịt rắn 100g. Hai thứ đem cùng hấp chín, nêm gia vị vừa đủ để ăn hằng ngày.
- Chữa tiểu nhiều lần vào ban đêm: Lá hẹ, dây tơ hồng xanh, ngũ vị tử, phúc bồn tử, câu kỷ tử, nữ trinh tử (mỗi vị 40g), đem phơi khô tán bột, mỗi lần uống 6g. Ngày uống 2 lần với nước ấm.
- Chữa hen suyễn (thở khò khè): Lá hẹ một nắm giã nát, lấy nước uống hay sắc lên để uống.
- Chữa nôn mửa: Nước cốt lá hẹ 100g, sữa bò 200g, nước cốt gừng 25g. Tất cả trộn đều, hâm nóng, cho người bệnh uống.
- Chữa giun kim: Rễ hẹ một nắm giã lấy nước cho uống.
- Tiểu đường: Củ hẹ 150 g, thịt sò 100 g. Nấu chín, nêm gia vị, ăn thường xuyên.
- Chữa ho ở trẻ sơ sinh: Lấy lá hẹ xắt nhỏ trộn với đường phèn hoặc mật ong vào cùng một chén, sau đưa chén vào nồi cơm hấp chín. Cho trẻ uống dần trong ngày 2 – 3 lần, mỗi lần 2 – 3 muỗng cà phê.
- Chữa chín mé càng cua (nhiễm trùng sưng tấy đầu móng tay): Hẹ dùng cả củ và rễ, giã nát, xào rượu chườm, bó, băng lại chỗ bị lên càng cua. Ngày thay băng 3 - 4 lần.
Các món ngon lợi sức khỏe từ cây hẹ:
Không chỉ là thuốc chữa bệnh, hẹ còn là cây thực phẩm, gia vị chế biến thành nhiều món ngon, có tác dụng chữa bệnh.
Bánh nhân hẹ:
Lá hẹ 200g, đậu phụ 100g, bột mỳ 500g, miến 50g ngâm cắt vụn. Rau hẹ thái nhỏ, đậu thái quân cờ. Xào những thứ trên với nước tương, muối, bột ngọt, hành, gừng, dầu vừng rồi trộn đều viên làm nhân. Bột mì cán mỏng, bọc nhân chưng chín.
Các món xào:
Hẹ 200g cắt đoạn dài, xào với giá đậu xanh.
Hẹ xào tôm nõn tươi: Lá hẹ 200g, tôm nõn 200g, xào ăn.
Hẹ xào gan dê: Lá hẹ 150g, gan dê 150g. Món này có tác dụng làm sáng mắt.
Hẹ xào lươn: Lươn 500g lọc bỏ xương, cắt đoạn xào qua, thêm gia vị, gừng, tỏi và nước. Khi nước vừa cạn cho thêm 300g lá hẹ cắt đoạn, xào thêm 5 phút. Ăn nóng.
Hẹ xào: Hẹ 240g, hồ đào nhục (quả óc chó) 60g. Xào với dầu vừng và ít muối. Ăn ngày 1 lần lúc đói hoặc vào bữa cơm. Ăn trong 2 tuần - 1 tháng. Món này còn dùng chữa táo bón, đau lưng, gối, tiểu tiện nhiều, hoặc dùng khi nữ giới bị khí hư, lãnh cảm.
Các món cháo Chữa dương hư:
Cháo hẹ: Hẹ 20g, gạo 90g. Nấu cháo ăn nóng ngày 2 lần. Món này còn dùng chữa đau lưng, gối mỏi, ăn uống kém, đi ngoài phân sống, chân tay lạnh.
Cháo hạt hẹ: Hạt hẹ (xào chín) 15g, ăn hằng ngày.
Kỹ thuật trồng hẹ: đơn giản và có thể trồng quanh năm.
- Chọn đất: Đất tơi xốp, thoáng khí, màu mỡ, tốt nhất là đất thịt, thịt pha cát. Sau khi cày xới, nhặt sạch cỏ, xử lý vôi 50-100kg/1.000m2, phơi khô 15-20 ngày, để cây sinh trưởng tốt và hạn chế sâu bệnh.
- Làm luống: Cao từ 20 - 30cm, rộng 80 - 120cm (dài tùy theo chiều dài của vườn), đảm bảo không bị úng. Sau khi trồng được 10-12 tháng phá bỏ gốc, đảo luống bằng cách lấy đất tầng sâu đưa lên tầng trên.
- Cách trồng bằng thân: Hẹ được tách ra từng tép, trồng mỗi bụi từ 3-4 tép, khoảng cách 15 x 15cm, sau đó phủ luống bằng rơm rạ mục mỏng, tưới nước đủ ẩm. Sau khi hẹ lên được 7-10 ngày cần tưới thêm urê 3-5 kg/1.000m2 đất, đến khi mọc cao 10-15cm thì nhổ lấy cả đất, cấy ra luống khác.
- Chăm sóc: Bón phân cho 1.000m2:
+ Bón lót: Phân chuồng 1,5 – 2 tấn (hoặc phân hữu cơ vi sinh 20-30kg) + 20kg super lân + 5kg urê + 5kg KCl.
+ Bón thúc: Lần 1 từ 7-10 ngày sau khi trồng 10kg urê+5 kg DAP. Lần 2: 15-20 ngày sau trồng 10kg urê + 5kg DAP.
Tưới nước mỗi ngày 3 lần, đến khi cây hẹ đã bén rễ và phát triển tốt thì chỉ cần tưới mỗi ngày 2 lần, tránh tưới vào buổi trưa. Trước mỗi lần tưới phân chỉ cần bón một ít tro bếp quanh gốc hẹ, sau đó hòa phân tưới chỗ gần gốc, dùng cào nhỏ xới giữa hai hàng hẹ, vun nhẹ vào gốc làm cho đất tơi xốp để hẹ phát triển nhanh.
- Phòng trừ sâu bệnh:
+ Sâu đục gân lá: Làm cho lá có màu trắng, sọc, dùng thuốc Match 50ND, Success 25SC...
+ Bệnh vàng lá (lá vàng từng chòm): Giảm phân, giảm nước, rải tro bếp + vôi theo tỷ lệ 1:5
+ Bệnh thối nhũn, tiêm lửa: Nhổ bỏ cây bệnh.
- Thu hoạch: Do khả năng tái sinh của hẹ rất dễ dàng nên ta cắt lá hẹ, chừa lại 2 - 3cm trên mặt đất, đến chiều tưới nước đủ ẩm, hôm sau hẹ mọc lá non lên, sau đó lại tưới phân để hẹ mọc nhanh. Sau khi trồng được 60 ngày ta thu hoạch lần đầu, sau đó cứ 30 ngày ta cắt 1 lần.
HD - Sưu tầm và tổng hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét