Vì vậy, để việc thực tập mang lại hiệu quả cao, bạn cần phải có một sự chuẩn bị tốt không những kiến thức mà còn ở tâm lý vì đợt thực tập có kết quả hay không là do tính thích nghi của mỗi người. Những sinh viên kiên nhẫn, cởi mở và hòa đồng với nhân viên công ty thì sẽ sớm có được số liệu, sớm được hướng dẫn. Điều chính yếu là chỉ cần chịu khó, hăng hái và làm tốt phần việc được giao. Nên có ý thức học hỏi và nhanh nhạy, chú tâm trong công việc, đặc biệt là phải trung thực, chân thành.
Nhiều sinh viên sau đợt thực tập do được đánh giá cao đã được ngay Công ty đó tuyển dụng vào làm việc sau khi tốt nghiệp (một số Công ty vẫn tuyển nhân viên theo kiểu như thế này). Đây là cách tốt nhất thay cho việc đi nộp hồ sơ tìm việc làm. Vì thế, bạn hãy tận dụng cơ hội, nhiệt tình với công việc và chú tâm học hỏi. Nên có tinh thần, thái độ tích cực như đang thử việc để được làm nhân viên chính thức.
Tuy nhiên, để đợt thực tập đạt hiệu quả tốt nhất bạn nên tham khảo một số vấn đề sau:
I. Công tác chuẩn bị trước khi đi thực tập.
1. Kế hoạch và đề cương thực tập của Nhà trường.
- Thời gian thực tập cụ thể từ bắt đầu đến lúc kết thúc.
- Đề cương thực tập bao gồm các nội dung gì, yêu cầu phải đạt được đối với mỗi nội dung sau đợt thực tập.
- Cần tìm hiểu trước mẫu báo cáo thực tập của truờng (yêu cầu) để khi đi thực tập không bị động. (Khi viết báo cáo nên tham khảo các báo cáo trước để rút kinh nghiệm và nên viết về các điểm mạnh của nơi mình thực tập).
2. Tìm hiểu về Công ty nơi bạn đến thực tập.
- Cần tìm hiểu kỹ về Công ty mà mình sẽ tới thực tập các nội dung như: Mô hình tổ chức của Công ty, ban lãnh đạo, lĩnh vực hoạt động, phạm vi hoạt động, phòng ban hoặc bộ phận có nội dung công việc phù hợp với nội dung và chương trình thực tập của mình v.v... Nói chung càng tìm hiểu kỹ về công ty sẽ càng thuận lợi cho quá trình thực tập của mình.
- Công việc đối với cơ cấu tổ chức của công ty như thế nào? (Nơi và bộ phận mà bạn muốn thực tập)
- Bạn cũng cần tìm hiểu thêm như: Công ty có tài trợ cho sinh viên thực tập không? Nếu công ty trả lương cho sinh viên thực tập, bạn sẽ làm công việc gì?
- Trách nhiệm, bổn phận hàng ngày của bạn (khi thực tập) sẽ là gì?
- Điều gì là ưu tiên chính của công việc, mối quan hệ với các phòng ban khác ra sao?
- Nên tạo mối quan hệ tốt với nơi thực tập bởi khi viết luận văn cũng cần một lần nữa làm việc với đơn vị để xin số liệu và chứng nhận cho báo cáo thực tập.
3. Trang phục.
- Đối với sinh viên thực tập tại các công xưởng có thể có quần áo giày mũ BHLĐ được cấp phát. Nếu không được cấp phát thì tự bản thân mình tự sắm một bộ giống các công nhân nơi làm việc.
- Đối với thực tập tại văn phòng, hãy xem trang phục của các nhân viên như thế nào để tự sắm cho mình một bộ cánh tương tự như thế.
- Không dép lê, áo phông, quần bò. Quần áo, đầu tóc phải gọn gàng lịch sự.
- Điều tối kỵ khi đi thực tập là mang trên mình phong cách và bộ cánh của sinh viên vào Công ty nơi thực tập.
II. Các điểm cần lưu ý trong quá trình thực tập.
1. Sự quan sát.
Đây là điều quan trọng hơn hết, nó có giá trị lớn về việc học hỏi kinh nghiệm. Và không giống như ở trường, đây là một thế giới thực tế. Những đồng nghiệp của bạn biết bạn là một nhân viên mới và muốn giúp đỡ bạn, nhưng họ không thể dành nhiều thời gian giải thích mọi thứ cho bạn biết. Vì vậy khi họ trả lời những câu hỏi của bạn hoặc chỉ cho bạn cách thực tập, điều quan trọng nhất là bạn phải chú ý. Hơn cả sự chú ý đó, bạn cần quan sát về những gì đang diễn ra xung quanh bạn. Những đồng nghiệp của bạn sẽ nói chuyện với nhau như thế nào? Họ đối xử với cấp trên như thế nào? Đâu là những mục tiêu và mối quan tâm lớn của họ? Học hỏi văn hóa công sở và văn hóa giao tiếp với khách hàng thông qua họ.
2. Tìm kiếm người cố vấn.
Tìm cho bạn một người có khả năng trả lời những câu hỏi của bạn và hỗ trợ cho quá trình thực tập của bạn. Hỏi về công việc, về công ty, và về mỗi lĩnh vực. Khám phá ra cách mà họ luôn đi lên trong sự nghiệp của họ, và những lời khuyên nào mà họ dành cho bạn. Thiết lập mối quan hệ tốt với họ. Những người đó có thể hỗ trợ bạn trong một thời gian dài kể cả sau khi bạn kết thúc quá trình thực tập tại đó. Nhưng phải công bằng trên mối quan hệ đối tác hai chiều này đem lại lợi ích cho bạn và cả hai. Đừng chỉ nhận lấy hoặc cho đi. Đề xuất sự giúp đỡ đối với người cố vấn của bạn về những dự án đặc biệt hoặc các hoạt động khác của ông ta/cô ta, điều có thể không phải là bổn phận của bạn. Làm cho chính bạn trở nên có giá trị đối với ông ta/ cô ta, người cố vấn của bạn.
3. Chấp nhận thực tế.
Bạn có thể gặp phải một số cản trở trong việc thực tập của mình, điều đó sẽ làm cho bạn cảm thấy thấp kém và chán nản, hoặc chỉ đơn giản là bạn bị lạc lõng. Chắc chắn là bạn sẽ không quyết định được những điều quan trọng xung quanh bạn. Vì rốt cuộc bạn chỉ là một thực tập sinh. Bí quyết để cho mọi việc tốt hơn là làm một công việc nổi bật với những nhiệm vụ được phân công. Sau đó hãy yêu cầu nhiều hơn.
Đảm nhận bất cứ những gì bạn có thể và thể hiện rằng bạn có thể làm nó một cách nhanh chóng và chính xác. Thậm chí nếu đó là những công việc "thấp kém" như việc sắp xếp giấy tờ, các thứ linh tinh vụt vặt trên bàn làm việc của mọi người, quét nhà, lau rửa ấm chén, pha trà rót nước thì sự nhiệt tình và nỗ lực của bạn sẽ được công nhận, được đánh giá cao và được mọi người ghi nhớ (bởi vì không có bạn thì mọi người trong Công ty hàng ngày vẫn làm những công việc như vậy).
4. Chuyên nghiệp.
Nhớ rằng, thời gian thực tập là lúc quan trọng để sắp đặt cho bạn một công việc trong tương lai và cần phải có những hành động hết sức chuyên nghiệp. Đừng thể hiện sự chậm trễ, tán gẫu qua điện thoại, nghỉ giải lao quá nhiều trong giờ làm việc hoặc mang cuộc sống cá nhân vào nơi làm việc. Thể hiện một nhân viên chuyên cần, hết lòng với công việc và học hỏi mọi người.
5. Đánh giá mục tiêu cho tương lai.
Một trong những điều tốt nhất để bạn học hỏi từ quá trình thực tập của mình là bạn có thể đánh giá được sự nghiệp trong tương lai của bạn. Về việc bạn có đang theo đuổi hướng đi đúng trong công việc của mình hay không? Bạn có đang thích thú với công việc đó? Đó có phải là những gì bạn đã trông chờ? Bạn có thể phác họa ra chính bạn đang làm công việc tương tự đó và có cảm thấy hạnh phúc với nó? Nếu không, bạn cần phải đánh giá lại mục tiêu công việc của bạn. Bàn luận về sự lựa chọn của bạn với những người tư vấn khi bạn quay trở lại trường.
III. Các thái độ đúng đắn khi đi thực tập tốt nghiệp.
1. Tôn trọng giờ làm việc và nội quy công sở: Các bạn sinh viên luôn luôn nhớ khi đi thực tập có nghĩa là chúng ta trong môi trường chuyên nghiệp. Các bạn là sinh viên thực tập nhưng khi bước qua cửa công ty, các bạn là những nhân viên không được trả lương trong công ty. Các bạn phải hoàn toàn tuân thủ nội quy vì công ty không thể vì các bạn chấp nhận cho những trường hợp không tuân thủ kỷ luật.
2. Lắng nghe và nói ít: Các bạn là những người mới trong tập thể công ty. Một người mới không nên quá cố gắng làm cho tập thể cũ thích. Các bạn nên làm thế nào gây ít nhất những lỗi giao tiếp không đáng có. Cách đơn giản nhất hãy lắng nghe chăm chú và nói ít
3. Hãy quan sát: Công ty là nơi làm việc vì vậy sẽ không ngạc nhiên nếu như các bạn không được ai để ý và hướng dẫn. Cặp mắt của các bạn sẽ mang lại nhiều thông tin nếu như bạn cần cố gắng.
4. Nếu thấy sai xin đừng chỉ trích: Nếu như các bạn thấy ai đó bên cạnh mình trong Công ty sai hoặc không giống những gì bạn đã học ở trường? Đừng thắc mắc hoặc làm anh hùng ngay lúc đó. Có thể bạn hiểu sai hoặc cũng có thể bạn đúng. Điều tốt nhất các bạn nên hỏi người phụ trách hoặc quản lý tại vị trí đó vào một thời điểm thích hợp
5. Luôn luôn xin phép: Các bạn đang ở trong Công ty, Nhà máy có nghĩa bạn đang làm việc. Bất kỳ những sự kiện xẩy ra ngoài ý muốn các bạn phải luôn luôn xin phép người quản lý
6. Tỏ ra ham học hỏi và chịu khó: Không có cách nào lấy cảm tình nhanh hơn đối với các anh chị quản lý khi các bạn thật sự muốn tìm hiểu và chịu khó làm việc. Lưu ý, khi các bạn thực hiện điều này cần phải thực sự từ quyết tâm của mình không phải giả vờ tạo ra những thái độ như vậy
7. Tôn trọng anh chị em công nhân viên: Các bạn có thể có học vị cao hơn các anh chị em cán bộ công nhân viên. Hãy tôn trọng họ như những người thầy cô dạy kiến thức thực tế cho mình.
8. Hòa đồng các hoạt động tập thể: Thật may mắn cho bạn nếu như trong kỳ thực tập có các hoạt động tập thể của Công ty hoặc bộ phận bạn thực tập mà bạn được tham dự. Bạn nên thể hiện những mặt mạnh của mình trong sinh hoạt cộng đồng như lễ tân, trang trí, ca hát v.v...
Chắc chắn khi các bạn áp dụng tốt các lời khuyên ở trên, Bạn sẽ là những người nhân viên ước mơ của Công ty các bạn đang thực tập. Các bạn sẽ chỉ còn trả lời câu hỏi có nên làm việc tại Công ty mà bạn đã thực tập hay không mà thôi.
Chúc các bạn thành công.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét