Thứ Hai, 18 tháng 3, 2013

Những điều trường học không dạy bạn – Đoán biết & thấu hiểu về con người


Trong trường học bạn được dạy để trở thành một công dân tốt, được đào tạo để trở thành một người lao động giỏi. Vậy nhưng bạn không được hướng dẫn để xác định mục tiêu, đích đến trong cuộc đời mình; cũng như việc bạn không được hướng dẫn để hiểu biết về con người. Và còn rất nhiều điều khác mà bạn không được dạy.


1. Hiểu biết về con người
Việc hiểu biết về con người cần một sự trải nghiệm thực tế của mỗi cá nhân. Tuy nhiên việc này có thể được định hướng dựa trên những giá trị nền tảng do mỗi người tự xây dựng cho bản thân. Những biểu hiện tâm lý sẽ phản ánh tính cách. Tất cả những gì bạn, người khác nói và làm, kể cả những chi tiết rất nhỏ nhặt, cũng có thể nói lên rất nhiều điều về con người thật của người bạn đang tiếp xúc. Bạn có thể đoán được tính cách của người khác qua hành động, cử chỉ của họ và ngược lại, người khác cũng có thể làm được việc này, thông qua việc quan sát bạn.
Những điều cần chú ý để rèn luyện:
Xác định “hệ quy chiếu” cho bản thân. Đó là việc bạn phải tìm hiểu thật rõ về những giá trị nền tảng, giá trị cốt lõi mà bạn muốn xây dựng, đạt đến ở mọi vấn đề trong cuộc sống. Hãy tìm hiểu thật rõ về bản thân mình. Đó là những điểu mạnh, điểm yếu; những gì bạn có thể, không thể… Trong trường hợp nào, với hoàn cảnh nào thì những tính cách bạn có là ưu điểm hoặc là điểm yếu… Chỉ khi hiểu được rõ những điều thuộc về bạn, những điều bạn mong muốn đạt tới thì mới có thể phán đoán về người khác. Bởi tất cả mọi sự nhận định đều cần một “hệ quy chiếu”.
Đừng coi ý kiến của người khác, các nguồn thông tin khác là lời giải đáp. Mọi người thường có thói quen phán đoán người khác, ngay cả khi chưa tiếp xúc, dựa trên những gì được nghe hay biết về họ. Bạn không nên đưa ra bất kỳ kết luận gì nếu như chưa thực sự đưa vấn đề mình quan tâm vào “hệ quy chiếu” để nhìn trên mọi khía cạnh có thể xảy ra. Đoán biết người khác là mở rộng mọi giác quan trước những gì đang diễn ra và những nhận xét bằng chứng cụ thể để sử dụng hiệu quả.
Nhận định cá tính. Cá tính tạo nên sự khác biệt – khác biệt giữa lý thuyết và thực hành, giữa vọng tưởng và đời thực, giữa cách thức sự việc xảy ra và điều bạn muốn. Một tập thể có 500 người thì có 500 cá tính khác nhau, mỗi người có một quan điểm riêng về thực tế. Cá tính lý giải nguồn gốc của mọi sự việc. Ví dụ người có cái tôi lớn không có nghĩa là có tính cách mạnh mẽ và ngược lại. Cố khẳng định cái tôi của mình chỉ chứng tỏ sự tự ti về bản thân. Hầu hết những nhà lãnh đạo thành công đều có tính rất điềm đạm.
2. Kế hoạch 7 bước
Không có bất cứ nguyên tắc nào trong việc đoán biết và thấu hiểu con người, dù là 7, 70, hay 700 bước. Nhưng bạn vẫn có thể rèn luyện và định hướng được việc này nhờ 7 bước cơ bản sau:
Bước 1: Chăm chú lắng nghe
Hãy lắng nghe cả điều người khách nói lẫn cách họ nói. Mọi người thường có xu hướng nói nhiều hơn họ muốn. Bạn hãy tạm ngừng nói – một khoảng yên lặng hơi khó chịu sẽ khiến họ nói nhiều hơn.
Bước 2: Quan sát tích cực
Bạn đã bao giờ xem một chương trình đối thoại hay phỏng vấn trên truyền hình và thốt lên: “Ồ, người này đang lo lắng quá!”, hoặc “À ha, câu hỏi đó khiến anh ta lúng túng”?
Rõ ràng bạn không cần đọc sách về ngôn ngữ cơ thể để có thể hiểu những cử chỉ hay hành động nhất định, hoặc “nghe” một phát biểu mà người ta có thể nói qua cách ăn mặc. Ngoài việc nghe để hiểu, hãy học cách quan sát để đưa chúng vào “hệ quy chiếu” bạn đã có.
Bước 3: Nói ít hơn
Làm như vậy, tự nhiên bạn sẽ biết nhiều hơn, nghe nhiều hơn, thấy nhiều hơn và ít mắc sai lầm hơn. Mọi người đều có thể nói ít hơn và hầu như ai cũng nên nói ít hơn. Thay vào đó, hãy rèn luyện kỹ năng đặt câu hỏi. Việc đưa ra những câu hỏi đúng sẽ khiến bạn giữ thế chủ động trong mọi tình huống.
Bước 4: Xem xét lại ấn tượng ban đầu
Mọi người thường có xu hướng tin vào ấn tượng ban đầu, song với điều kiện là đã xem xét cẩn thận. Phải có một quá trình suy ngẫm hoặc xem xét từ khi ấn tượng ban đầu xuất hiện cho đến lúc bạn chấp nhận nó như một nguyên tắc của mối quan hệ.
Bước 5: Dành thời gian suy nghĩ những điều bạn đã biết
Nếu bạn chuẩn bị gặp hoặc gọi điện cho một người nào đó, hãy dành vài phút suy ngẫm về những gì bạn biết và những phản ứng mà bạn muốn có ở họ. Dựa trên những điều đã biết về người đó, bạn sẽ lựa chọn được cách nói hoặc cách hành động để có được phản ứng như bạn mong muốn.
Bước 6: Suy xét khôn ngoan
Để đoán biết và hiểu về con người tốt hơn, bạn cần phải suy xét khôn ngoan. Để sử dụng hiệu quả những điều đã biết, bạn không cần để người khác biết tất cả mọi suy nghĩ của bạn. Hãy nhớ rằng, bạn chỉ có thể sử dụng những gì bạn biết về người khác, nếu họ biết bạn ít hơn. Kể cho người khác nghe mọi điều bạn biết chắc chắn sẽ khiến họ có cơ hội xâm phạm đến sự an toàn của chính bạn. Để họ tự tìm hiểu về tính cách, thành tích của bạn và hãy là người luôn tỉnh táo trong mọi thời điểm.
Bước 7: Khách quan
Trong bất kỳ tình huống nào, nếu bạn có thể giữ thái độ khách quan, nhất là khi sự việc đang trở nên gay gắt, thì tự nhiên khả năng quan sát của bạn sẽ tăng lên. Nhất là một người bắt đầu nổi nóng, đó là lúc anh ta sơ hở nhất. Nếu bạn cũng đáp trả bằng một câu nóng nảy không kém, thì không những bạn đã làm giảm khả năngquan sát, mà còn khiến mình bị sơ hở nữa.
Sự nhấn mạnh trong bước này là tính chủ động chứ không phải phản ứng bột phát trong các tình huống. Thay vì phản ứng, sự chủ động sẽ giúp bạn sử dụng đúng đắn những gì mình biết, biến những nhận thức thành quyền điều khiển.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét